Skip to main content

Giới thiệu chung

VÙNG ĐẤT CÁI DẦU TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

Vì sao gọi là Cái Dầu? Cái theo nghĩa là sông, rạch nhỏ; dầu là cây dầu. Cái Dầu là cây dầu ở bờ con sông nhỏ.

hinh


Vào thế kỷ XVIII, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến vùng đất An Giang dẹp quân Xiêm. Theo chân đoàn quân của ông là những lưu dân đến định cư khu vực ngã ba sông Hậu và rạch Phù Dật, rạch Cái Dầu. Từ lối sống quần cư, được chính quyền phong kiến chấp thuận, họ lập thôn, làng để quản lý vùng đất khai khẩn. Đến những thập niên đầu của thế kỷ XX, dân cư qui tụ ngày càng đông, dần dần trở nên sung túc khi hình thành chợ Cái Dầu (1920), chủ yếu trao đổi, mua bán lúa gạo và hàng nông sản thực phẩm. Từ khi có chợ, Cái Dầu là một trong những vùng đất trù phú về nông nghiệp và phát triển giao thương.
Vùng đất Cái Dầu xưa thuộc thôn Bình Lâm (thôn Bình Lâm được thành lập năm 1783 bao gồm cả xã Bình Long, Cái Dầu, Bình Mỹ, Bình Thủy ngày nay) huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh. Vùng đất Cái Dầu thuộc thôn Bình Lâm, tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Năm Minh Mạng thứ 17, sau khi thành lập địa bạ (1836), dân cư khai khẩn đất ngày càng nhiều, phía hữu ngạn sông Hậu cũng lập thêm làng mới. Những làng sẵn có từ đời Gia Long, nơi đất tốt có nhiều đơn xin khẩn, mở rộng diện tích. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) ở giữa làng Bình Lâm (Năng Gù) và rạch Cái Dầu có thôn trưởng Nguyễn Long Hưng kê khai đất công thổ trong làng gồm 23 khoảnh, 05 khoảnh khai thác xong, 18 khoảnh còn hoang, xin giao cho 05 người dân trưng khẩn, mỗi người 1 mẫu, loại đất trồng hoa màu.
Tham gia mở đất vùng Cái Dầu còn có ông Trần Văn Xuyến (Đạo Xuyến), vâng lệnh của của cụ Đoàn Minh Huyên, cùng với một số tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, đến khai khẩn và lập chùa Châu Long Thới 
Ngày 16/9/1875 theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ Duy – rê (Dupré), địa giới các làng có sự thay đổi, trong đó, làng Thạnh Mỹ Đông ở tại cù lao Cái Dầu sẽ nhập vào làng Bình Long.
Như vậy, từ năm 1875 vùng đất Cái Dầu là thị tứ, khu vực chợ của thôn Bình Long, thuộc tổng An Lương, tỉnh Châu Đốc. Từ năm 1917 đến 1930, Cái Dầu thuộc làng Bình Long, tổng An Lương, quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc.
Theo địa giới của chính quyền Sài Gòn từ năm 1954, Cái Dầu thuộc xã Bình Long, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc, rồi thuộc tỉnh An Giang (1956). Năm 1964, chính quyền Sài Gòn tách tỉnh An Giang thành hai tỉnh Châu Đốc và An Giang, Cái Dầu thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc cho đến 1975.
Theo sự phân chia địa giới của chính quyền cách mạng, năm 1948 Cái Dầu thuộc làng Bình Long, quận Châu Phú A, tỉnh Long Châu Hậu ; năm 1950 thuộc huyện Châu Phú, tỉnh Long Châu Hà. Năm 1954, Cái Dầu thuộc xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc rồi thuộc tỉnh An Giang (1957) ; thuộc tỉnh Long Châu Hà (1974) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975).
Ngày 25/4/1979 thực hiện Quyết định 181-CP của Hội đồng Chính phủ, thị trấn Cái Dầu được thành lập trên cơ sở tách ấp Bình Nghĩa, Bình Hòa của xã Bình Long và ấp Vĩnh Tiến, Vĩnh Quới 1 của xã Vĩnh Thạnh Trung. Hiện nay, thị trấn Cái Dầu có 06 ấp: Bình Hòa, Bình Nghĩa, Vĩnh Tiến, Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc và Vĩnh Thành. 

Trong buổi đầu khẩn hoang, dân cư Cái Dầu sống chan hòa trong ý thức đoàn kết dân tộc, có lối sống sinh hoạt hòa đồng. Người Kinh cần cù lao động, sáng tạo. Người Hoa chịu cực, chịu khổ giúp đỡ nhau, chuyên mua bán, dễ dàng hòa nhập. Dấu ấn của sự liên kết cộng đồng từ việc cúng đình. Hàng năm, để cầu cho nơi ở mưa thuận gió hòa, các vị Quý tế làng Bình Long (có dân Cái Dầu) phải xuống tận đình Bình Mỹ để cúng lễ kỳ yên. Việc đi lại gặp khó khăn bởi thời tiết và chỉ đi bộ (khoảng 10 km). Nhưng Ban Quý tế Bình Mỹ rất khắc khe, nếu các vị Quý tế làng đến trễ thì bị phạt (bắt đại diện đoàn cúi xuống đánh ba hèo). Sự việc đó làm cho nhân dân Bình Long (Cái Dầu) bất mãn, tự ái nên các bô lão trong làng bàn bạc thống nhất nhau vận động xây dựng ngôi đình với tên gọi của làng là Đình Bình Long (nay tại khu vực chợ Cái Dầu). Khởi đầu đình Bình Long được xây dựng bằng tre lá tại vàm rạch Phù Dật. Đến năm 1929, đình được xây dựng mới khang trang và kiên cố tại địa điểm hiện nay (Cách nơi cũ 300m). Trước kia đình thuộc thôn Bình Long, đến năm 1979, thị trấn Cái Dầu được thành lập, đình Bình Long thuộc thị trấn, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi Bình Long. Qua thời gian mưa gió, hư hại, đình được tu sửa, nâng cấp nhiều lần.
Đình Bình Long gắn liền với sự kiện lịch sử địa phương, Ngày 06/01/1946 đình là một trong những địa điểm trong quận Châu Phú đặt thùng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi thành lập và làm việc của Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Bình Long. Đặc biệt, tại bàn thờ chánh thần của đình, hơn 50 thanh niên yêu nước đã tuyên thệ chống pháp tới cùng trong buổi đầu thực dân pháp tái xâm lược nước ta. 

hinh


Từ khi có đình Bình Long, hàng năm dân làng đều tụ họp cúng kỳ yên cầu cho mưa thuận gió hòa, bá tánh an cư lạc nghiệp vừa họp mặt chung vui. Đây vừa biểu hiện nét sinh hoạt văn hóa dân tộc, vừa thể hiện ý thức đoàn kết đấu tranh với bọn ỷ quyền cậy thế.
Đình Bình Long được UBND tỉnh An Giang xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (Quyết định số 287/QĐ.UB ngày 18/02/2000)

Năm 1930, cha sở Caollot ở Năng Gù thành lập họ đạo Cái Dầu và xây dựng nhà thờ Cái Dầu bằng vật dụng thô sơ. Năm 1938, số giáo dân nhiều lên, nhà thờ mới di dời đến nơi mới cách nhà thờ cũ 200 mét. Đến năm 2009, nhà thờ mới được xây dựng thuộc xã Bình Long, nhưng vẫn lấy tên nhà thờ giáo xứ Cái Dầu.
1) Lịch sử Đảng bộ Thị Trấn Cái Dầu 1979 – 2010 xuất bản lần I năm 2014


CÁI DẦU NGÀY NAY
Địa phận thị trấn Cái Dầu gần như hình vuông. Phía đông giáp huyện Phú Tân (Sông Hậu) ; phía tây và phía Nam giáp xã Bình Long ; phía  bắc giáp xã Vĩnh Thạnh Trung. Toàn bộ diện tích nằm giữa 02 con kênh lớn là Phù Dật và kênh 10 (cầu chữ S), trước mặt là sông Hậu, phía sau lưng là kênh 1. Có quốc lộ 91 cắt ngang từ kênh Phù Dật đến kênh 10 (trên 2 km). Đây là đường huyết mạch kết nối tuyến Long Xuyên – Châu Đốc.

hinh

Thị trấn Cái Dầu có diện tích tự nhiên 642.2 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 384.8 ha,  đất nuôi trồng thủy sản 20.7 ha, hầu hết sản xuất 03 vụ/năm. Dân số 16.958 người sống trong 06 khóm. Trong tổng số dân, người Kinh chiếm đa số 97.71%, dân tộc Hoa chiếm 2.14%, dân tộc Khơ – me (Khmer) chiếm 0.11%.
Dân cư sinh sống chủ yếu buôn bán, thương mại dịch vụ tập trung phần lớn ở khu trung tâm thương mại Cái Dầu và dọc quốc lộ 91. Về y tế thị trấn Cái Dầu có 01 Trạm y tế ngay trung tâm địa bàn. Về giáo dục toàn thị trấn có 01 trường THPT, 01 trường THCS, 02 trường tiểu học và 01 trường mẫu giáo. Về tín ngưỡng, tôn giáo toàn thị trấn Cái Dầu có 01 đình thần và 03 chùa. Chùa Châu Long Thới thuộc đại Bửu Sơn Kỳ Hương, được xây dựng 1952 ; Chùa Bửu Hòa xây dựng 1962, thờ Phật và chùa Ông (Quan Thánh Miếu) của người Hoa, xây dựng năm 1944, thờ Quan Công.

Trên địa bàn thị trấn có trên 95% đồng bào theo đạo, nhiều nhất là đạo Phật giáo Hòa Hảo 53.86%, đạo Phật 28.86%, Tin Lành 0.09%, Tứ Ân Hiếu nghĩa 0.47%, Công giáo 0.39%. 
Thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động từ ấp thành khóm thuộc thị trấn Cái Dầu, sau khi chuyển đổi thị trấn Cái Dầu có 06 khóm gồm Khóm Vĩnh Phúc, khóm Vĩnh Thành, khóm Vĩnh Tiến, khóm Bình Nghĩa, khóm Vĩnh Lộc và khóm Bình Hòa.
Việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự xây dựng luôn được quan tâm thực hiện: được Phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Khu đô thị mới Sao Mai Tây thị trấn Cái Dầu với quy mô 47,39 ha; thi công xây dựng gờ bó vỉa hè; ngầm hóa đường dây cáp quang, dây dẫn điện … với kinh phí 12,3 tỷ đồng; chỉnh trang công viên Võ Thị Sáu (khóm Bình Hòa); công viên Huyền trân Công Chúa (khóm Bình Hòa) và công viên Trần Văn Thành (khóm Vĩnh Phúc, Vĩnh Thành)… cùng với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại không ngừng được nâng cấp, cải tạo đáp ứng tốt cho việc kinh doanh mua bán của các tiểu thương.

hinh

Thị trấn Cái Dầu hiện nay là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Châu Phú. Năm 2023, thị trấn Cái Dầu được Bộ xây dựng công nhận thị trấn Cái Dầu mở rộng, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV theo Quyết định số 354/QĐ-BXD ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Bộ Xây dựng. Tạo điều kiện góp phần đưa thị trấn Cái Dầu mở rộng phát triển mạnh kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị, phát triển tập trung với các chức năng chính là hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ đô thị
Xác định lợi thế và tiềm năng phát triển đô thị của địa phương, thời gian tới thị trân Cái Dầu sẽ tăng cường đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và các khu dân cư mới; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển hệ thống giao thông. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống đối với Trung tâm thương mại Chợ Cái Dầu đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của thương nhân và thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ của khách hàng.
Đồng thời đảm bảo công tác an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Phát huy tốt phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu về đời sống tinh thần của Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động và tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện. 
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Cái Dầu sẽ nổ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để từng bước xây dựng thị trấn Cái Dầu “Văn minh - hiện đại” xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Châu Phú.